Chướng bụng ở trẻ sơ sinh: Cách phòng ngừa và điều trị

By Nguyễn Thị Thảo Nhi

Trẻ sơ sinh có thể gặp phải tình trạng chướng bụng khá thường xuyên. Điều này là bình thường khi trẻ thải khí từ 13-21 lần mỗi ngày! Tại sao lại nhiều như vậy? Trẻ sơ sinh có nhiều cơ hội nuốt phải không khí, như khi:

  • Bú sữa, dù là từ vú mẹ hay bình sữa
  • Mút núm vú giả
  • Khóc

Ảnh: Pexels

Khi không khí bị mắc kẹt trong bụng của bé, bạn có thể nhận thấy rằng bé:

  • Khó chịu
  • Bị đầy hơi
  • Khóc
  • Đánh rắm
  • Bụng cứng

Đôi khi, các bé bị đầy hơi có thể có vẻ khó chịu hoặc đau đớn. Làm thế nào để bạn biết có phải có vấn đề nghiêm trọng nào khác không? “Nếu bé thường vui vẻ và chỉ khóc trong vài giây khi xì hơi, đó là dấu hiệu bình thường”, bác sĩ nhi khoa Jennifer Shu, MD cho biết. “Ngay cả khi bé đỏ mặt và phát ra tiếng động, điều đó không có nghĩa là bé thấy khó chịu. Nếu bé vui vẻ trong các khoảng thời gian giữa các cơn và không quá bực bội trong suốt cơn đầy hơi, có thể không có gì nghiêm trọng cả”.

Cần biết rằng khi hệ tiêu hóa của bé phát triển, tình trạng đầy hơi sẽ giảm đi và không còn là vấn đề lớn đối với cả bạn và bé nữa.

Cách giúp bé cảm thấy thoải mái hơn

Hãy thử các bước sau để phòng ngừa và làm giảm cơn đau do đầy hơi:

  1. Kiểm tra tư thế bú. “Khi bạn đang cho bé bú mẹ hoặc bú bình, hãy cố gắng giữ đầu bé cao hơn bụng bé”, bác sĩ Shu khuyên. “Như vậy, sữa sẽ chìm xuống dưới đáy dạ dày, còn không khí sẽ lên trên, dễ dàng ợ hơi ra ngoài”. Đưa bình sữa lên một chút để tránh tạo ra bọt khí trong núm vú, và sử dụng gối cho con bú để hỗ trợ.
  2. Giúp bé ợ hơi. Một trong những cách dễ dàng nhất để giảm cơn đau do đầy hơi là ợ hơi cho bé trong và sau khi bú. Nếu bé không ợ hơi ngay, bạn có thể đặt bé nằm ngửa trong vài phút rồi thử lại.
  3. Thay đổi thiết bị. “Nếu bạn đang cho bé bú bình, hãy chuyển sang núm vú có dòng chảy chậm hơn”,bác sĩ Joel Lavine, MD, PhD, giáo sư nhi khoa tại Đại học Columbia cho biết.
  4. Vận động nhẹ. Massage nhẹ nhàng cho bé, đạp chân bé qua lại (giống như đang đạp xe) trong khi bé nằm ngửa, hoặc cho bé nằm sấp một chút (dưới sự giám sát của bạn). Một bồn tắm ấm cũng có thể giúp bé xả bớt lượng khí thừa.
  5. Xem lại chế độ ăn. Hãy trao đổi với bác sĩ của bé về các thực phẩm có thể gây đầy hơi cho bé. “Một số bậc phụ huynh cho bé uống nước trái cây, mà trong đó có sorbitol (chất cồn đường) mà bé không thể hấp thụ”, bác sĩ Lavine nói. Bác sĩ cũng sẽ đảm bảo rằng bạn không cắt bỏ các dưỡng chất cần thiết cho bé.

Nếu bạn cho bé bú mẹ, có thể bé gặp khó khăn trong việc tiêu hóa một số thực phẩm mà bạn ăn, và chúng có thể qua sữa mẹ, như các sản phẩm từ sữa và caffeine. Nếu bạn cho bé uống sữa công thức, hãy trao đổi với bác sĩ về việc chuyển sang loại sữa khác. Một số loại sữa công thức có thể giúp giảm tình trạng đầy hơi ở bé.

Ảnh: Pexels

Các thuốc không cần kê đơn (OTC)

Bạn cũng có thể thử một số loại thuốc không kê đơn để giúp bé giảm đầy hơi. Hãy yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn cho bạn về loại thuốc phù hợp. Bạn cũng nên hỏi họ để đảm bảo rằng loại thuốc này không ảnh hưởng đến các thuốc khác mà bé đang sử dụng, bé không bị dị ứng với thành phần nào trong thuốc và bạn dùng đúng liều lượng.

Đầy hơi ở trẻ sơ sinh và chứng đau bụng (Colic)

Trong 4 tháng đầu đời, bé có thể bị đau bụng (colic), khi bé khóc liên tục trong 3 giờ, nhiều hơn 3 ngày mỗi tuần, kéo dài hơn 3 tuần. Đầy hơi không phải là nguyên nhân gây ra đau bụng, nhưng nếu bé bị đau bụng, bé có thể nuốt nhiều không khí hơn, dẫn đến đầy hơi nhiều hơn.

Khi nào bạn cần lo lắng?

Phần lớn thời gian, tình trạng đầy hơi ở trẻ sơ sinh là bình thường và có thể điều trị được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn, theo Jenna Faircloth, PharmD, từ Bệnh viện Nhi Cincinnati tại Ohio. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu bé:

  • Không đi tiêu, có phân có máu, hoặc nôn mửa.
  • Quá khó chịu. Nếu bạn không thể làm bé bình tĩnh lại, bác sĩ cần kiểm tra xem có vấn đề gì không.
  • Sốt. Nếu bé có nhiệt độ trực tràng từ 100,4°F (38°C) trở lên, bác sĩ cần loại trừ khả năng nhiễm trùng. Nếu bé dưới 3 tháng tuổi, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.