Áp dụng lực nhấn lên các điểm cụ thể trên cơ thể được gọi là bấm huyệt. Phương pháp này có thể giúp kích thích chuyển dạ bằng cách tác động đến hệ thần kinh và cơ bắp. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bấm huyệt.
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trong bếp, mắt nhìn chằm chằm vào lịch treo tường. Bụng bầu chạm nhẹ vào tường khi bạn nhìn ngày dự sinh được khoanh tròn. Bạn đã qua 40 tuần, nhưng dường như em bé vẫn chưa sẵn sàng rời khỏi bụng mẹ.
Ngày dự sinh chỉ là ước tính, và việc chuyển dạ có thể xảy ra từ một đến hai tuần trước hoặc sau ngày dự sinh. Tuy nhiên, thai quá ngày có thể khiến bạn kiệt sức hoặc lo lắng. Trong trường hợp này, nhiều người tìm đến các biện pháp tự nhiên để giúp thúc đẩy chuyển dạ, trong đó bấm huyệt là một phương pháp phổ biến.
Bấm huyệt là gì?
Bấm huyệt là phương pháp ít được biết đến hơn so với châm cứu. Châm cứu đã được thực hành hàng nghìn năm trong y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) và hiện nay cũng rất phổ biến trong y học bổ sung và thay thế ở phương Tây.
Trong một buổi châm cứu điển hình, chuyên gia sẽ đưa kim nhỏ vào các huyệt đạo trên cơ thể. Với bấm huyệt, thay vì dùng kim, người ta áp dụng áp lực vật lý lên các điểm này.
Trong y học cổ truyền, việc kích hoạt các huyệt đạo cụ thể được cho là có thể ảnh hưởng đến dòng chảy khí, hay năng lượng sống. Trong khuôn khổ phương Tây, bấm huyệt được cho là tác động đến hệ thần kinh, cơ bắp và mô liên kết.
Nhiều người kết hợp bấm huyệt với y học hiện đại, và không ít người sử dụng bấm huyệt như một phương pháp điều trị độc lập. Một số nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của bấm huyệt trong việc giảm thời gian chuyển dạ và giảm đau đẻ. Ngoài ra, một đánh giá từ 27 nghiên cứu cho thấy bấm huyệt cũng làm giảm nguy cơ sinh mổ.
5 huyệt đạo chính kích thích chuyển dạ
Dưới đây là năm huyệt đạo phổ biến được cho là giúp thúc đẩy chuyển dạ:
Ảnh: Healthline
Huyệt SP6, còn gọi là Tam Âm Giao, nằm phía trên mắt cá chân, ở mặt sau xương chày (phần bắp chân dưới). Nó nằm cách mắt cá chân khoảng bốn ngón tay.
Cách thực hiện: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt, giữ vài giây, nghỉ 1 phút rồi lặp lại.
Ảnh: Healthline
Huyệt BL60, hay còn gọi là Côn Lôn, nằm ở phần lõm giữa mắt cá chân và gân gót. Đây là huyệt được sử dụng để thúc đẩy chuyển dạ, giảm đau và giảm tắc nghẽn.
Cách thực hiện: Dùng ngón tay cái ấn nhẹ và xoa bóp huyệt trong vài phút.
Ảnh: Healthline
Huyệt PC8, hay Lao Cung, nằm ở trung tâm lòng bàn tay. Bạn có thể dễ dàng xác định bằng cách nắm tay lại và tìm điểm mà ngón giữa chạm vào lòng bàn tay.
Cách thực hiện: Dùng ngón cái của tay còn lại ấn nhẹ và xoa bóp huyệt trong vài giây.
Ảnh: Healthline
Huyệt Hợp Cốc nằm ở phần lõm giữa ngón cái và ngón trỏ. Đây là huyệt thường được sử dụng nhất trong liệu pháp bấm huyệt, được cho là có thể kích thích chuyển dạ, giảm đau và tăng cường miễn dịch.
Cách thực hiện: Ấn nhẹ bằng ngón cái và xoa bóp trong một phút, nghỉ một phút rồi lặp lại.
Huyệt BL32, hay Thứ Liêu, nằm ở phần hõm của mông, ngay trên khe mông. Huyệt này được cho là giúp kích thích các cơn co thắt và giảm các vấn đề phụ khoa.
Cách thực hiện: Ấn mạnh vào huyệt và xoa bóp theo hướng về phía mông trong vài phút.
Lưu ý khi thử bấm huyệt
Bấm huyệt có thể là một cách hiệu quả để kích thích chuyển dạ mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu. Nếu có thể, bạn nên tìm một chuyên gia bấm huyệt hoặc châm cứu có giấy phép để đảm bảo an toàn và hiệu quả.