Wikipedia thử nghiệm tích hợp trí tuệ nhân tạo tạo sinh để hỗ trợ biên tập viên

By Nhã Thanh

Wikipedia – bách khoa toàn thư mở lớn nhất thế giới đang bắt đầu thử nghiệm trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) để hỗ trợ quá trình biên tập và mở rộng nội dung. Đây là một bước tiến mang tính cách mạng với nền tảng này, đánh dấu lần đầu tiên AI được tích hợp có hệ thống vào quy trình cộng tác của các tình nguyện viên trên toàn cầu.

Wikimedia Foundation – tổ chức điều hành Wikipedia cho biết họ đang phát triển và triển khai thử nghiệm các công cụ AI tạo sinh nhằm tăng hiệu quả và chất lượng của quá trình biên tập, chứ không nhằm thay thế con người. Theo tổ chức này, AI có thể giúp gợi ý văn bản, tóm tắt thông tin từ nguồn đáng tin cậy, phát hiện thiếu sót trong bài viết hoặc hỗ trợ dịch thuật sang các ngôn ngữ ít phổ biến hơn.

Ảnh: India Today

“AI sẽ là một trợ lý, không phải người thay thế”. trích lời Selena Deckelmann, giám đốc sản phẩm của Wikimedia Foundation. Cô nhấn mạnh AI không tự động xuất bản nội dung mà luôn yêu cầu biên tập viên xem xét, chỉnh sửa và phê duyệt.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất khi tích hợp AI tạo sinh là vấn đề sự thật và độ tin cậy. AI, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), có xu hướng “bịa đặt” thông tin (hiện tượng hallucination). Với một nền tảng coi trọng tính chính xác như Wikipedia, điều này có thể gây rủi ro nghiêm trọng.

Wikimedia Foundation cho biết họ đang áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát, bao gồm ghi chú rõ ràng khi AI được sử dụng và cho phép cộng đồng phản hồi, góp ý. Các công cụ cũng được thiết kế để hoạt động trong môi trường mã nguồn mở, đảm bảo minh bạch và kiểm chứng được cách thức AI hoạt động.

Một trong những mục tiêu dài hạn của dự án AI là giúp thu hẹp khoảng cách nội dung giữa các phiên bản Wikipedia bằng các ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại, phần lớn nội dung được tập trung vào các ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, Pháp hay Tây Ban Nha. AI có thể giúp chuyển ngữ, tóm tắt và đề xuất nội dung cho các ngôn ngữ ít người dùng hơn – vốn đang bị bỏ ngỏ.

Wikipedia là một trong số ít nền tảng trực tuyến dựa vào cộng đồng, không quảng cáo và phi lợi nhuận, nhưng vẫn duy trì lượng truy cập hàng đầu thế giới. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ và tốc độ phát triển thông tin ngày càng nhanh, việc ứng dụng AI là bước đi hợp lý để giữ cho nền tảng này mở, chính xác và cập nhật. Tuy nhiên, Wikimedia Foundation cho biết họ sẽ triển khai thử nghiệm một cách thận trọng, lắng nghe phản hồi từ cộng đồng và ưu tiên sự an toàn, công bằng và minh bạch.